Bài 78: Phép lạ - Dấu chỉ - Điềm thiêng trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 78: Phép lạ - Dấu chỉ - Điềm thiêng trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa

Bài 78: Phép lạ - Dấu chỉ - Điềm thiêng trong Kinh Thánh | Dưới ánh sáng Lời Chúa

 

Trong Chúa Nhật thứ XVII TN – B sắp tới, chúng ta sẽ được nghe tác giả Tin Mừng Gio-an thuật lại dấu lạ Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều cho đám đông dân chúng ăn no nê. Đây là một “phép lạ” mà cả bốn sách Tin Mừng đều ghi lại, nhưng trong đó chỉ có tác giả Tin Mừng Gio-an gọi là “dấu lạ”. Vậy, có gì khác biệt giữa “phép lạ” và “dấu lạ” không?

Trong các cụm từ: “phép lạ”, “dấu lạ”, và “điềm thiêng” thì có lẽ cụm từ “phép lạ” là quen thuộc với chúng ta hơn cả, vì từ ngữ này khá phổ biến trong cách dùng và cách nói hàng ngày của chúng ta. Thật vậy, khi nói đến “phép lạ”, chúng ta thường nghĩ ngay đến một hiện tượng “lạ”, tức là khác thường hoặc phi thường và không thể giải thích được bằng các quy luật tự nhiên. Ví dụ như sự kiện bốn đứa trẻ sống sót trong vụ rơi máy bay tại Côlômbia vào tháng 6/2023 có thể xem là một “phép lạ”, vì những trẻ này không những sống sót sau khi máy bay rơi, mà các bé còn tri trì được 40 ngày trong rừng sâu Amazon cho đến khi đội cứu hộ tìm thấy. Mặc dù có thể nói việc sống sót của các bé là “phép lạ” thì đó cũng chỉ là “phép lạ” theo quan niệm bình dân, chứ còn “phép lạ” theo quan điểm từ Kinh Thánh thì chúng ta cần phải xem xét cách dùng từ ngữ, bối cảnh và mục đích của “phép lạ” nữa.

Vì thế, trong bài học hỏi tuần này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về ý nghĩa của các thuật từ “phép lạ”, “dấu lạ”, và “điềm thiêng” trong Kinh Thánh.

1. “Phép lạ” là gì ?   

Từ ngữ “phép lạ” trong tiếng Híp-ri là pala [פּלא] (Xh 3,20; 2 Sm 1,26; G 37,14; Cn 30,18), trong tiếng Hy-lạp là thaumasios [θαυμάσιος] (Mt 24,15), và trong tiếng La-tinh là miraculum, đều nhằm chỉ đến những gì là phi thường, kỳ diệu và lạ lùng do Thiên Chúa, hoặc do những người Chúa chọn, thực hiện. Theo đó, về căn bản thì “phép lạ” được hiểu là:

+ Những hiện tượng siêu nhiên, chẳng hạn như việc ông Mô-sê giơ tay trên biển khiến nước biển rẽ làm hai (Xh 14,21-22), hoặc việc ông Giô-suê khiến mặt trời dừng lại (Gs 10,12-13).

+ Những hiện tượng xảy ra trái với quy luật tự nhiên, chẳng hạn như việc Đức Giê-su đi trên mặt biển (Mt 14,25), kẻ chết sống lại (2 V 4,32-35; Ga 11,1-44; Cv 9,39-40).

+ Những hiện tượng xảy ra không theo tiến trình của tự nhiên, ví dụ như hoá bánh ra nhiều (2 V 4,42-44; Mc 6,41-43), chữa lành người bại liệt (Mt 9,2-7; Cv 3,1-8 ; 9,34; 14,8-10).

2. “Dấu chỉ” là gì ?

Trước hết, “dấu chỉ” (אוֹת [oth]) là “dấu hiệu”. Theo đó, “dấu chỉ” có thể là một ký hiệu hoặc là một sự vật nào đó được dùng làm mốc để đánh dấu hoặc để xác định hoặc để ghi nhớ một sự kiện nào đó. Chẳng hạn như vết máu chiên bôi trên cửa nhà trong đêm Chúa đánh giết các con đầu lòng Ai-cập chính là một “dấu hiệu” (אוֹת [oth]) để xác định đó là nhà của người Do-thái (Xh 12,13); hoặc sau khi ông Giô-suê dẫn dân Ít-ra-en vượt qua sông Gio-đan, ông đã cho dân dựng mười hai tảng đá lấy từ giữa lòng sông, nơi mà các tư tế đã đặt chân, để làm “dấu hiệu” (אוֹת [oth]) nhắc nhớ việc Chúa đưa dân qua sông (Gs 4,5-7).

Thứ đến, “dấu chỉ” (אוֹת [oth]) là “dấu lạ”. Theo đó, “dấu chỉ” có thể là một sự việc gì đó diễn ra cách bất thường, phi thường, hoặc khác thường nhằm chứng thực một điều gì đó, hoặc để làm cho người khác tin vào quyền năng của mình, hoặc tin vào vị đã sai mình. Ví dụ như để thuyết phục ông Mô-sê tin vào sức mạnh và quyền năng của mình, Thiên Chúa đã bảo ông Mô-sê ném cây gậy xuống đất và cây gậy biến thành con rắn (Xh 4,3-4).

Trong Tân Ước từ ngữ “dấu chỉ” được dịch từ danh từ semeion [σημεῖον]) trong tiếng Hy-lạp dùng để chỉ việc Thiên Chúa biểu lộ quyền năng của Người (Lc 23,8; Cv 4,16.22). Đặc biệt, tác giả Tin Mừng Gio-an thường sử dụng thuật từ semeion [σημεῖον]) theo nghĩa “dấu lạ” để chỉ những việc kỳ diệu Đức Giê-su làm nhằm bày tỏ vinh quang Thiên Chúa. Ví dụ như việc Đức Giê-su hoá nước thành rượu (Ga 2,1-11), việc Đức Giê-su hoá bánh ra nhiều (Ga 6,9-14), việc Đức Giê-su chữa lành anh mù bẩm sinh (Ga 9,1-41), việc Đức Giê-su cho anh La-da-rô chỗi dậy ra khỏi mồ (Ga 11,1-47).

3. “Điềm thiêng” là gì ?

“Điềm thiêng” gốc Híp-ri là מוֹפֵת (mopheth) được hiểu là “điềm lạ”. Từ điển Holladay (Hebrew and Aramaic Lexicon of the Old Testament) định nghĩa “điềm thiêng” là các hiện tượng siêu nhiên lạ lùng, ví dụ như các hiện tượng mà ngôn sứ Giô-en mô tả vào Ngày của Chúa:

Ở dưới đất cũng như trên trời, Ta sẽ cho xuất hiện nhiều “điềm lạ” là máu, lửa và cột khói. Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hoá thành máu, trước khi Ngày của ĐỨC CHÚA xuất hiện, Ngày vĩ đại, kinh hoàng (Ge 3,3-4).

“Điềm thiêng” (מוֹפֵת [mopheth]) còn được hiểu là “điềm báo”, tức là dấu báo trước một điều gì đó sắp xảy đến, ví dụ những hành động giống như người sắp phải lưu đày biệt xứ của ngôn sứ Ê-dê-ki-en là một “điềm báo” (מוֹפֵת [mopheth]) về việc dân Ít-ra-en sẽ phải đi lưu đày:

Ê-dê-ki-en sẽ nên điềm báo cho các ngươi. Các ngươi sẽ làm y như nó đã làm. Khi sự việc xảy ra, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là ĐỨC CHÚA, là Chúa Thượng (Ed 24,24).

Nhìn chung, trong Cựu Ước, “dấu chỉ”, “dấu hiệu”, “dấu lạ” (אוֹת [oth]) hoặc “điềm thiêng” (מוֹפֵת [mopheth]) là những hình thức biểu lộ quyền năng và sự hiện diện của sức mạnh hoặc quyền năng siêu phàm mà con người có thể tiếp nhận bằng giác quan. Ngoài ra, những “dấu chỉ”, “dấu hiệu” (אוֹת [oth]) hoặc “điềm thiêng” (מוֹפֵת [mopheth]) đó cũng được dùng để xác nhận hoặc chứng thực công việc của Thiên Chúa.

Còn trong Tân Ước, kính thưa quý ông bà anh chị em, thuật từ “điềm thiêng” được dịch từ danh từ Hy-lạp teras [τέρας]. Theo từ điển Friberg (Analytical Greek Lexicon) thì thuật từ teras [τέρας] hàm ý một cái gì đó phi thường khiến người xem thấy phải kinh ngạc, hoặc kinh sợ; còn theo từ điển Danker (Greek New Testament Lexicon) thì teras [τέρας] là một hiện tượng lạ thường gây kinh ngạc, nhưng mục đích chính của teras [τέρας] là nhằm cảnh báo, cảnh cáo, hoặc báo trước một điều gì đó sẽ xảy ra (Cv 2,19-21), chứ không chỉ nhằm gây sốc bởi yếu tố lạ lùng.

Ngoài các thuật từ “phép lạ”, “dấu chỉ”, và “điềm thiêng” mà chúng ta vừa bàn ở trên thì các tác giả Sách Thánh còn sử dụng một số thuật từ khác như:

+ Thuật từ “quyền năng” hay “phép mầu” dịch từ danh từ Hy-lạp dunamis [δύναμις] để chỉ hoạt động có nguồn gốc, hoặc có đặc tính siêu nhiên như việc Đức Giê-su và các môn đệ trừ quỷ và chữa lành bệnh tật, cho kẻ chết sống lại (Mc 6,2; Cv 8,13; 19,11; Rm 15,19; 1 Cr 12,10.28-29; Gl 3,5; 2 Tx 2,9; Hr 2,4 ).

+ Thuật từ “công việc” dịch từ danh từ Hy-lạp ergon [ἔργον] để chỉ đến những “phép lạ”. Chẳng hạn như khi ông Gio-an Tẩy giả ở trong ngục, ông đã nghe biết ergon [ἔργον]) của Chúa Giê-su làm (Mt 11,2), bao gồm việc “người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng” (Lc 7,22).

Như vậy, trong Kinh Thánh các thuật từ “dấu lạ”, “dấu chỉ”, “điềm thiêng”, “quyền năng”, “công việc” đều diễn tả những gì phi thường, không theo quy luật tự nhiên, vượt quá khả năng của con người và có thể hiểu cách chung là “phép lạ”. Tuy nhiên ý nghĩa của mỗi loại “phép lạ” trên thì khác nhau, trong đó:

+ “Phép lạ”, “quyền năng”, “công việc” được Thiên Chúa, hoặc những người Chúa chọn thực hiện, để chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa;

+ “Dấu chỉ”, “dấu lạ” nhằm chỉ đến một điều gì đó khác lớn lao hơn sẽ xảy đến;

+ “Điềm thiêng” khiến mọi người kinh ngạc hay kinh sợ có mục đích cảnh báo, hoặc báo trước điều sẽ đến.

Dù các từ ngữ trên hàm chứa nội dung và ý nghĩa khác biệt, nhưng cách chung tất cả chúng đều nhắm mục đích là giúp con người nhận biết Thiên Chúa, Đấng thực hiện tất cả những điều kỳ diệu lạ lùng.

Tạm kết

Vậy khi đọc các trình thuật Kinh Thánh liên quan đến “phép lạ”, “dấu chỉ”, và “điềm thiêng”, chúng ta nên tránh các khuynh hướng chú giải thuần lý, tránh cắt nghĩa hay giải thích theo lẽ tự nhiên. Chẳng hạn như cách mà một số người lý giải phép lạ “Đức Giê-Su Hóa Bánh Ra Nhiều”. Họ giải thích “phép lạ” này là do đám đông bị lòng thương xót của Đức Giê-su đánh động, nên mọi người đã đem góp chung những thực phẩm mà mỗi người mang theo rồi chia cho nhau… Cắt nghĩa như thế là không tôn trọng chủ ý của tác giả Kinh Thánh, vì các ngài không nhằm trình bày cách Thiên Chúa phá đổ luật tự nhiên mà là nhằm trình bày vinh quang Thiên Chúa, cũng như để tuyên xưng việc Thiên Chúa hoạt động trong dòng lịch sử, đặc biệt qua các biến cố cuộc đời của Đức Giê-su, để qua đó con người nhận biết Thiên Chúa mà cải hoá tự tân, hoặc để thăng tiến đức tin, hoặc để vững lòng trông cậy mà mạnh dạn cất cao lời tôn vinh:

Chúc tụng ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa Ít-ra-en,

chỉ có Ngài làm nên những công trình kỳ diệu.

Muôn muôn đời xin chúc tụng danh Chúa hiển vinh,

ước gì vinh quang Chúa chiếu toả khắp hoàn cầu ! A-men. A-men. 

(Tv 72,18-19)

 

bài liên quan mới nhất

bài liên quan đọc nhiều

Top